Vì sao lại chọn Hokkaido?

Đó là câu mà gần như đồng nghiệp cũng như đối tác nào cũng hỏi khi mình thông báo sẽ chuyển việc từ Toyama lên Hokkaido. Thậm chí khi phỏng vấn cho vị trí công việc hiện tại, nhà tuyển dụng cũng đã đặt câu hỏi tương tự “Vì sao lại muốn đến Hokkaido?”

Khi ấy, mình chỉ có thể trả lời một cách rất mơ hồ và thật thà, “Tôi cũng không rõ vì sao, chỉ đơn giản là vì bản thân ấn tượng với Hokkaido và thích nơi này…”. Tuy nhiên, sau khi đến Omu – một thị trấn (tiếng Nhật là 町 ) thuộc quận Mombetsu thì trước mắt, mình đã có thể phần nào đưa ra được câu trả lời gọi là tương đối chỉnh chu. Có 4 lý do như sau.

 Thứ nhất, thức ăn tươi ngon

Có lẽ sẽ không ai phủ định điều này.  Thường ngày trong siêu thị, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều các sản phẩm Hokkaido như bơ, sữa, phomai…, mặc dù giá cả có phần “chát” hơn các loại khác nhưng hương vị cũng  đậm đà hơn hẳn.

Đã đến Hokkaido thì đương nhiên không thể không nhắc đến “thiên đường hải sản” như cách người Nhật hay ví von. Mình quê ở Vũng Tàu nên vốn cũng chả lạ lẫm gì với  tôm cua cá mực,  cua ghẹ thì có khi một năm chả bao giờ ăn (đơn giản là vì mình lười, đập vỏ quá mất công tốn sức). Nhưng khi đến Omu, nhìn thấy cua lông (kegani) hay cồi sò quạt (hotate) với kích cỡ to bằng trái cau thì cứ không nhịn được mà thầm ứa nước miếng.  Khác với cua Cà Mau, cua ở đây vỏ mềm, sau khi luộc chín thì không cần dùng kềm hay muỗng đập đập phiền phức vẫn có thể tách vỏ ra một cách dễ dàng, sau đó thưởng thức phần thịt cua trắng phau và gạch cua beo béo. Theo mình, với những ai thưởng thức lần đầu thì chỉ cần luộc lên rồi măm măm, không chấm thêm muối tiêu chanh hay bất cứ loại gia vị nào khác như cách chúng ta vẫn ăn hải sản ở Việt Nam, vì như vậy chúng ta có thể cảm nhận “thuần” được độ tươi ngọt tuyệt vời của cua nơi đây.

Các sản phẩm từ sữa cũng rất  xuất sắc, kem với độ ngọt và béo vừa phải, yogurt thì  chua thanh thanh mà không sánh đặc như loại chúng ta thường mua ngoài siêu thị.  Vì thế, với đứa có phương châm “sống để ăn” như mình thì chả mấy chốc có lẽ sẽ béo lên mất. Có điều, mình vẫn luôn tự động viên bản thân rằng béo lên với lớp mỡ dày thì sẽ rất có ích trong việc chống chọi cái lạnh. *cười trong nước mắt*

food-1

Thứ hai, cảm giác  thanh bình 

Khác với một Tokyo ánh đèn rực rỡ, các  toà nhà văn phòng nối tiếp nhau hay một Osaka sầm uất nhộn nhịp thì  quận Mombetsu phía bắc Hokkaido tương đối hẻo lánh (Ví dụ như ở Omu, dân số khoảng  4,200 người, mật độ quân bình là tầm 7 người/km2). Có thể do trước khi đến Nhật, mình sống ở Hồ Chí Minh quá lâu nên đã ngán ngẩm với tiếng còi xe, với dòng người hối hả và các đợt tắc đường không ngớt nên rất thích cảm giác bình yên ở đây.

Từ nhà mình chỉ cần đi bộ tầm 10 phút là ra đến biển. Bãi biển với gờ  bao che chắn, chạy suốt một cung đường dài gợi lên nét gì đó na ná với con đường Trần Phú của thành phố Vũng Tàu. Khi ấy, trời 4° C, gió thổi phần phật, tay thì cóng đỏ hết cả lên nhưng mình lại vô cùng phấn khích kích động, phải chụp liền mấy tấm ảnh khi thấy mặt biển xanh sẫm lấp lánh ánh sáng dưới ánh mặt trời vàng rực, mây trắng trải dài trong sắc trời xanh lam. Đặc biệt lúc mình nhìn thấy hải âu tung cánh lao vút lên trời, chợt cảm thấy  tâm hồn cũng trở nên tự do nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái vô cùng. 

Eyecatch

 Thứ ba,  vùng đất của thiên nhiên và lễ hội

Một người Nhật mình quen đã nói với mình rằng “Trên Mombetsu chỉ có bò thôi, không có gì đâu” nên mình đã chuẩn bị sẵn tâm lý là sẽ đến nơi đồng không mông quạnh, nhưng khi đến tận nơi, nhìn tận mắt rồi thì Mombetsu là một bức tranh hoàn toàn khác đầy màu sắc.

Mình có dịp đến tham quan Trung tâm khoa học về băng trôi ở thành phố Mombetsu. Ở đó, mình được giới thiệu về nguyên nhân hình thành băng trôi, được ngắm “thiên thần biển cả” Clione trong suốt với đôi cánh nhịp nhàng khi di chuyển, được tham quan các mẫu vật được lưu giữ trong lớp băng trong suốt trong cái lạnh -20 độ. Công viên Takinoue vào tháng 5 sẽ ngập một sắc hồng thắm của hoa Chi Anh (shibazakura), đồng hoa tulip ở Kami Yubetsu, hay chỉ đơn giản là cảnh sắc những chú bò nhởn nhơ gặm cỏ trên cánh đồng xanh biếc dưới bầu trời xanh trong, mặt trời đỏ au dần lặn sau dãy núi xa xa trong nền tuyết trắng hay một bầu trời đầy sao lấp lánh ở Omu. Bình dị, giản đơn nhưng lại đẹp đến nao lòng.
Với những  ai yêu thích lễ hội thì đây cũng sẽ là một nơi lý tưởng. Mình đã khá kinh ngạc khi nhìn vào lịch tổ chức các event ở khu vực biển Okhotsk, trải dài suốt 12 tháng, bình quân mỗi tháng đều có 2 – 3 lễ hội được tổ chức ở các thành phố/ trấn khác nhau. Như ở Omu, nơi mình đang sống thì có khoảng 4 – 5 lễ hội/năm, có lễ hội văn hoá sản vật địa phương thường tổ chức vào tháng 6, lễ hội thắp đèn vào tháng 2… Tiếc là do ảnh hưởng của dịch Corona nên hiện giờ hầu hết các lễ hội đều không thể tổ chức. 

 Thứ tư,  con người bình dị đầy nhiệt huyết

Mình làm bên mảng du lịch,  có đôi khi sẽ cùng một vài anh chị khác ra ngoài gặp gỡ và chia sẻ, lắng nghe về ý tưởng  thúc đẩy du lịch địa phương với người dân. Chúng ta thường có suy nghĩ “Vấn đề to tát như thế để chính quyền thực hiện”, nhưng ở đây, mọi người rất nhiệt tình đóng góp ý kiến. Khi đó, nhìn ánh mắt và biểu cảm của mọi người khiến một người nước ngoài như mình cũng bừng lên ngọn lửa “muốn cống hiến chút gì”.
Có đôi lúc, khi đang thảo luận về vấn đề “vĩ mô” thì mọi người sẽ hơi lệch hướng, bà tám sang những vấn đề lông gà vỏ tỏi thường ngày, nhưng cái cảm giác dung dị thân thuộc đó sao lại đáng yêu đến lạ,  có thể vì nó khiến mình nhớ đến những ngày xưa khi mà nhà nhà chỉ cách nhau một hàng rào hoa giấy chứ không phải là những bức tường và các cuộc trò chuyện qua các phần mềm livechat như hiện nay.

 

Hiển nhiên, không nơi nào trên thế giới này là hoàn hảo. Ở Mombetsu, cụ thể là ở Omu nơi mình đang sống cũng có rất nhiều điều bất tiện.

Ví dụ như vật giá nơi đây cao hơn so với Toyama (đặc biệt là rau cải); giao thông công cộng bất tiện, do nơi đây không có hệ thống tàu điện, bus ngày cũng chỉ có tầm 3 chuyến; và đương nhiên không thể thiếu vấn đề  khiến người nước ngoài chúng ta đau đầu: Phân loại rác.  Mặc dù khi ở Toyama, mình cũng khá tự tin vì phân loại khá tốt, nhưng lúc được hướng dẫn phân loại rác ở đây, mình gần như mắt chữ A mồm chữ O với bảy màu túi cho bảy loại rác khác nhau (ở Imizu – Toyama chỉ có hai loại túi), và đương nhiên là vứt vào những ngày được quy định khác nhau. 

Tuy vậy, với nhiều người thì có thể khu vực Mombetsu khá heo hút buồn tẻ và bất tiện, nhưng với một đứa hơi ngán phố thị đông đúc như mình thì đây là nơi khá tốt, có các yếu tố vật chất cần thiết cho cuộc sống, có núi có biển có đồ ăn ngon, đặc biệt còn có rất nhiều cơ hội trải nghiệm văn hoá bản địa. Thế nên,  vì sao lại không đến Hokkaido, Mombetsu cơ chứ?