[Nhật ký tại Omu] Một vài kinh nghiệm khi sống ở Hokkaido

Trước khi đến Hokkaido, mình từng sống ở Toyama (một tỉnh thuộc khu vực Hokuriku, nổi tiếng với dãy Tateyama và  cung đường tuyết) một năm, nhờ vậy đã giúp mình làm quen phần nào với  cuộc sống tại Nhật,  đặc biệt là thích nghi đôi chút với cái giá rét mùa đông. Tuy nhiên, sau khi chuyển đến Omu thuộc quận Mombetsu, phía bắc Hokkaido thì mình mới cảm nhận sâu sắc “giá buốt” là thế nào và hiểu được cách người dân ở đây trải qua mùa lạnh ra sao.

Cửa sổ hai lớp (tiếng Nhật nijuumadoー二重窓 )
Khác với cửa sổ ở khu vực Hokuriku thường chỉ có một lớp cửa kính, cửa sổ tại Hokkaido sẽ có hai lớp kính dày để có thể ngăn cản tối đa khí lạnh tràn vào. Nhiệt độ trung bình trong năm tại Omu khoảng 9°, mùa đông có khi xuống -20° và mùa hè tầm 16° – 25°.  Vào những trời nắng gắt và cảm thấy trong nhà hơi ngộp, mình chỉ việc kéo một lớp cửa là lập tức trở nên thông thoáng.
Hai lớp cửa kính thật sự  đóng góp không nhỏ vào việc giúp lưu giữ không khí ấm trong nhà và ngăn cản khí lạnh xâm nhập.

Sử dụng  máy sưởi thay vì điều hoà
Lúc ở Toyama, mình vẫn chỉ dùng điều hoà do mùa đông ở Toyama mặc dù lạnh (có năm tuyết dày cả mét) nhưng mùa hè vẫn nóng hầm hập. Sau khi đến Omu, mình mới  biết cách sử dụng lò sưởi, biết cái  tank ở trước các căn nhà là thùng dầu cho máy sưởi,  những ngày nhiệt độ xuống dưới 1° cần phải bật máy thường xuyên để tránh đường ống nước bị đóng băng,  và một công năng phụ ngoài làm ấm phòng của máy sưởi, chính là có thể đun nước hoặc nấu thức ăn.

Chức năng phụ này mình vô tình biết được khi chia sẻ ý định mua nồi áp suất, nhằm tiết kiệm gas lúc nấu các món hầm. Khi ấy, cô người Nhật làm chung đã nói: “Lò sưởi ở nhà kiểu như thế nào? Có thể dùng để đun nấu đó.” thì mình mới ngỡ ngàng ra là có thể tận dụng hơi nóng từ lò sưởi theo kiểu này. Kể từ đấy, ngoài tranh thủ hầm xương làm nước dùng, ninh bò kho thì bữa sáng thường xuyên của mình chính là bánh mì nướng, vừa ngon vừa tiện. Nhưng chính vì vậy mà mình đang sợ là bản thân sẽ ca bài “đạo bánh mì nướng” suốt mùa đông. ( ;∀;)

Chúng ta có thể tận dụng lò sưởi để đun nấu, tuy nhiên cần lưu ý 2 điểm:
+ Không phải lò sưởi nào cũng nấu được, tuỳ vào thiết kế và kiểu dáng của lò có cho phép đặt ấm nước hoặc nồi lên được hay không.
+ Khi đun nấu cần cẩn thận, tránh để đổ/tràn ra ngoài, vừa khó vệ sinh vừa dễ dẫn đến cháy nổ (đặc biệt là các bếp sưởi được bật lên bằng cách bật quẹt để nhóm lửa)

Vào mùa đông, nhiệt độ bình nước nóng nên cài  đặt ở 44 độ
Đây là điều mình được hướng dẫn ngay khi vừa đến Omu, vì “nếu để nhiệt độ thấp hơn thì nước sẽ lạnh ngay khi vừa ra khỏi vòi”. 

Không chỉ lốp xe, cần gạt nước cũng nên đổi khi giao mùa
Toyama lẫn Omu đều khá hạn chế về phương tiện giao thông công cộng (ở Omu không có tàu điện, bus cũng chỉ tầm 2-3 chuyến/ngày), vì vậy oto là phương tiện tương đối cần thiết để cho sinh hoạt hàng ngày.
Các bạn lái oto đều biết chúng ta cần đổi lốp xe, tuy nhiên tới Omu rồi mình mới vỡ lẽ ra là cần gạt nước cũng có 2 loại: mùa hè / mùa đông và cũng nên đổi khi giao mùa, cùng lúc với lốp xe.
Vì sao cần thay đổi, cần gạt mùa đông/mùa hè khác nhau như thế nào, sau khi hỏi bác gúc thì mình tóm tắt thấy có 2 lý do chính như sau:
+ Về cấu tạo: Cần gạt mùa đông có lớp cao su bao phủ cả bề mặt cần gạt,   nhờ đó diện tích tiếp xúc lớn hơn, hiệu quả hơn trong việc gạt bỏ tuyết đóng trên kính chắn gió.
+ Về loại cao su được sử dụng: cao su dùng cho cần gạt mùa đông là dạng synthetic rubber (có thể hiểu là cao su nhân tạo,  bao gồm thành phần như silicon, teflon..), có đặc tính mềm dẻo giúp cao su không bị rạn nứt khi nhiệt độ xuống thấp dưới âm độ. Chính vì tính mềm dẻo này, nếu chúng ta vẫn sử dụng cần gạt mùa đông thì cao su có khả năng bị chảy và dính vào kính chắn gió dưới ánh nắng gay gắt và cái nóng oi bức của mùa hè.
Nói thật,  khi nghe vụ đổi cần gạt nước này mình cứ như từ trên trời mới rơi xuống. Chẳng biết lúc học bằng lái có ngủ gục hay không nữa mà đổi lốp xe thì có nghe trong khi đổi cần gạt thì hoàn toàn không chút ấn tượng…(//∇//)

Trên đây là một vài cảm nhận và kinh nghiệm của mình khi sống ở Omu, Hokkaido. Những chia sẻ của mình có thể không mới, nhưng mình vẫn hi vọng nó sẽ giúp các bạn chưa có dịp đến xứ lạnh như Hokkaido có thể hình dung được phần nào sinh hoạt ở đây, để nếu có cơ hội được trải nghiệm thực tế, chúng ta sẽ không quá bỡ ngỡ và có thể nhanh chóng hoà nhịp cuộc sống nơi đất khách.